Nghề lạ ở Việt Nam: Nuôi loài thú cho vui, cho ăn rau củ rẻ tiền, bán làm đặc sản lạ ở thành ...
"Thú cưng của chị Hằng" là cách nói vui về một loài động vật vô cùng quen thuộc - con thỏ. Từ lâu, thỏ đã được thuần hoá và nuôi theo mô hình chuồng trại để lấy thịt thương phẩm. Dù thịt thỏ ít thông dụng hơn các loại thịt công nghiệp khác, nhưng lại được đánh giá là loại thịt thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món đặc sản. Mô hình nuôi thỏ mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân.
Điển hình như lão nông Trần Ngọc Thưởng (quê huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) - một trong số những người làm giàu nhờ trang trại nuôi thỏ thương phẩm ngay tại vườn nhà. Năm 2015, sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh từ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước với đủ nghề để mưu sinh, ông Thưởng quyết định quay trở về quê nhà để trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống.
Ông Thưởng bên trang trại nuôi thỏ.
Thời gian đầu, ông chỉ nuôi vài cặp thỏ, gà, vịt, lợn nhưng chỉ nuôi theo hình thức tự phát nhỏ lẻ, dù không lỗ nhưng "lời lãi cũng chẳng bao nhiêu". Trong số này, thỏ là dễ nuôi nhất, không kén chọn thức ăn lại có thể tận dụng các loại rau, cỏ dại có sẵn trong vườn nhà giúp tiết kiệm được từ 20-30 % chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp. Chưa kể, chi phí nhập thỏ giống lại không cao nên ông Thưởng đánh giá loài động vật này rất tiềm năng.
Bước ngoặt kể từ khi ông Thưởng mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 50 cặp thỏ giống về nuôi thử nghiệm. Do đã có kinh nghiệm trước đó, đàn thỏ của ông phát triển rất nhanh lại đẻ nhiều, lứa đầu tiên cho xuất chuồng ông Thưởng thu về hơn 50 triệu đồng, trừ đi các chi phí vẫn còn lãi hơn 30 triệu. Tiếp tục lấy lãi làm vốn, ông Thưởng đầu tư phát triển mạnh hơn trang trại nuôi thỏ của mình.
Lão nông làm giàu nhờ con thỏ.
Hiện tại, trang trại nuôi thỏ của ông Thưởng đã có gần 1.000 con lớn nhỏ, mỗi tháng xuất khoảng 300 con thỏ thương phẩm cho các hàng quán, nhà hàng tại tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận như Kon Tum, Đắk Lắk với giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. Đồng thời, ông Thưởng còn bán thỏ giống khoảng 70.000 đồng/kg.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi thỏ, ông cho biết bản thân luôn chú trọng công tác phòng trừ dịch bệnh và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, về mùa nắng nóng, có hệ thống làm mát phun sương nên đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt, không dịch bệnh. Khi có dịp, ông lại xin hội nông dân được đi tham quan các mô hình kinh tế khác, trong đó có nhiều trang trại nuôi thỏ để học hỏi kinh nghiệm.
"Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại khác nhau, tôi đã xây lại chuồng trại ấp ám, lắp đèn sưởi và kỹ lưỡng trong khâu chọn thức ăn. Dần đưa thỏ vào mô hình nuôi khép kín. Nhờ vậy mà đàn thỏ phát triển khỏe mạnh và sinh sản đều theo cấp số nhân. Bên cạnh nguồn thức ăn, vệ sinh chuồng trại thì gia đình còn tận dụng các sản phẩm nông nghiệp được trồng xung quanh vườn theo phương pháp hữu cơ như cỏ ghi lê, lá sả, bắp, bèo trứng...để cho thỏ ăn thêm giúp thịt thỏ chắc khỏe, ít bị bệnh", ông Thưởng chia sẻ. Ngoài ra, thỏ là loại ưa sạch, nên chuồng trại phải thường xuyên được khử trùng, dọn vệ sinh, không để tồn phân khiến thỏ dễ mắc các bệnh ngoài da.
Chàng nông dân đất Quảng thành công nhờ nuôi thỏ.
Xuôi về phía Quảng Nam, cũng có một anh nông dân trẻ khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi thỏ lấy thịt. Đó là anh Phạm Tấn Thương (25 tuổi) ở thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh. Hiện tại, anh đã sở hữu trại thỏ 350m² với 100 con thỏ sinh sản và 500 con thỏ thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Theo anh Thương cho biết, năm 2019 anh từ bỏ công việc làm công dân ở Đà Nẵng, theo chân một người bạn đến thăm trang trại nuôi thỏ ở thành phố Tam Kỳ. Lúc này, thấy bầy thỏ đáng yêu nên anh công nhân mua 2 con về nuôi cảnh. Nhưng bất ngờ sau vài tháng, thỏ lại sinh sản nhanh. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loài vật này, anh đã quyết định mua thêm 10 con thỏ để phát triển đàn.
Lứa đầu tiên, nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, hệ thống chuồng trại được xây dựng khoa học, đảm bảo vệ sinh nên đàn thỏ phát triển tốt, sinh sản nhanh. Sau hơn 4 tháng nuôi, đàn thỏ xuất chuồng khi đạt trọng lượng 3-3,2 kg. Anh Thương bán cho các thương lái chuyên cung cấp thịt thỏ cho các quán nhậu khắp Quảng Nam, Đà Nẵng… Khu vực này khách du lịch nhiều, lại ít nơi chăn nuôi và cung cấp thịt thỏ nên cứ lứa thỏ xuất chuồng nào là anh Thương lại "cháy hàng", cung không đủ cầu lại rất được giá.
Nhờ có thu nhập ổn định từ nuôi thỏ, anh Thương mạnh dạn nghiên cứu mở rộng mô hình "đa con" với khoảng gần 30 con heo lai và hàng trăm con gà thịt. Đây đều là các loài động vật dễ nuôi, nguồn cung ổn định, đặc biệt có thể tận dụng nguồn thức ăn chung với nuôi thỏ. Từ nguồn này đã giúp anh thu thêm khoảng 150 triệu đồng/năm. Đồng thời, nguồn phân thỏ chàng nông dân trẻ cũng đã sử dụng để nuôi trùn quế rồi lấy từ phân trùn quế chế biến thành phân hữu cơ dùng cho cây cảnh, hoa lan và các rau củ quả khác trong vườn.
Thấy mô hình nuôi thỏ thành công, anh Thương chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người bạn khác - trong đó có anh Phạm Văn Trung (Đà Nẵng). Hiện tại, trang trại của anh Trung nằm gần quốc lộ 1A, trong vườn có 2 chuồng nuôi thỏ thường xuyên có khoảng 1.200 con thỏ sinh sản, thỏ thịt.
"Thỏ là loài vật mình yêu thích từ nhỏ. Vì vậy, khi biết có bạn thành công từ mô hình này, mình bắt xe ra ghé thăm trang trại và xin phụ việc cắt cỏ, dọn vệ sinh để học hỏi kinh nghiệm nuôi. Xem tận mắt mới thấy nuôi thỏ vừa đơn giản, vừa hiệu quả kinh tế cao nên mình quyết định nghỉ việc tại công ty xây dựng, khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ", anh Trung chia sẻ.
Ban đầu, lúc gọi điện về nhà thông báo nghỉ việc, bố mẹ anh Trung gần như không cho phép vì công sức học đại học nhiều năm, lại có công việc ổn định lại nhàn hạ. Thế nhưng chàng trai trẻ chỉ im lặng và thầm quyết tâm sẽ chứng minh bằng thực tế. Dùng hết 3 triệu đồng tiền lương tháng cuối cùng tại công ty, anh mua 20 giống thỏ giống mang về quê nhà.
Thành công nhờ nuôi thỏ, anh Trung cho biết bản thân rất hài lòng với lựa chọn của mình.
Ban đầu, anh Trung đi thu gom gỗ tạp ở các xưởng cưa về đóng 5 chiếc lồng nuôi thỏ ở sau hè nhà do không còn chi phí xây dựng chuồng trại. Sau 2 tháng, đàn thỏ sinh sản được 100 con. Lứa thỏ đầu tiên thành công, anh bán đi 50 con với giá 7 triệu đồng, 50 con còn để lại tiếp tục gây giống.
Năm 2016, khi đã có đủ tiềm lực, anh đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô, có đủ hệ thống phun sương làm mát trên mái nhà, máng nước uống tự động, lồng cách nền nhà 60cm, thoáng mát…để nuôi thường xuyên 1.500 con thỏ. Hiện tại, mỗi năm anh Trung sản xuất được hơn 20 tấn thịt thỏ hơi cho thị trường cả nước, doanh thu 400 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 200 triệu đồng.
Theo anh Trung, mặc dù thỏ có giá trị kinh tế khá cao, nhưng muốn nuôi sinh sản hiệu quả thì cần nắm được những đặc điểm về sinh lý cũng như những hiện tượng bất thường của thỏ để điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt là thỏ sau sinh tách mẹ rất dễ bị bệnh, cho ăn thức ăn công nghiệp có nguy cơ bị tiêu chảy, sình bụng… Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần cho uống thuốc định kỳ, cân đối lượng thức ăn thì sẽ phòng được.
Không có nhận xét nào