Nghề bác sĩ thú y ngày càng có giá trị
Một trong những thông tin đáng chú ý mới đây là việc CTCP Chăn nuôi Gia Lai - công ty con của CTCP Hoàng Anh Gia Lai, phát đi thông báo tuyển dụng vị trí bác sĩ thú y chăm sóc, chăn nuôi heo, gà.
Nhiều cơ hội việc làm
Công ty của bầu Đức theo đó có nhu cầu tuyển dụng 20 nhân sự cho vị trí này, với yêu cầu sở hữu bằng trung cấp thú y trở lên và làm việc ngay chính tại các trang trại chăn nuôi trong địa bàn xã Lơ Pang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai.
Đáng chú ý, công ty đưa ra yêu cầu không mấy khắt khe, thậm chí bao trọn cả chỗ ăn ở, đồng thời ông bầu Đoàn Nguyên Đức cũng mạnh tay trả mức lương rất cao để chiêu mộ các bác sĩ thú y.
Cụ thể, đối với sinh viên vừa mới ra trường và chưa có kinh nghiệm, bầu Đức trả mức lương khởi điểm 8 triệu/tháng.
Ở các cấp bậc cao hơn, ông sẵn sàng chi trả từ 10 – 40 triệu đồng/tháng cho nhân viên. Trong đó, cấp Kỹ thuật chính (chăn nuôi heo/gà) nhận 10 – 20 triệu/tháng, Trưởng khu (chăn nuôi bầu – đẻ - cai) nhận 20 – 30 triệu/tháng, và Trưởng cụm (chăn nuôi 2400 nái – thịt) là người được trả lương cao nhất với 30 – 40 triệu/tháng.
Cần nói thêm, thời gian qua, không chỉ có công ty của bầu Đức, rất nhiều doanh nghiệp có tên tuổi cũng đang "lấn sân" sang lĩnh vực chăn nuôi. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp của các học sinh, sinh viên học nghề thú y tại các doanh nghiệp là rất lớn.
Học sinh, sinh viên học nghề bác sỹ thú y có cơ hội nghề nghiệp lớn, thu nhập cao. |
Không chỉ làm việc cho doanh nghiệp, khảo sát cho thấy cơ hội nghề nghiệp cho học viên giáo dục nghề nghiệp theo đuổi chuyên ngành thú y được đánh giá là rất sáng so với phần lớn các ngành nghề khác hiện nay.
Thống kê cho thấy, trên 90% học viên sau khi ra trường tìm được việc làm, nhiều người trẻ tự tin khởi nghiệp riêng sau khi ra trường. Cụ thể, các học viên tốt nghiệp thường tham gia làm việc tại các viện nghiên cứu, trạm thú y, cơ quan kiểm dịch… tại địa phương. Đồng thời, có thể về làm việc cho các bệnh viện, phòng khám, phòng mạch thú y. Đặc biệt, nhiều học viên tự mở phòng khám thú y của riêng mình, hay làm dịch vụ trông giữ, chăm sóc thú cưng tại nhà.
Sức hút sẽ tiếp tục tăng
Tốt nghiệp chuyên ngành thú y tại Trường Cao đẳng nghề Trung bộ từ năm 2015, anh Bùi Văn Nam (Xuân Lộc, Triệu Sơn, Thanh Hóa) hiện đang là chủ phòng khám thú y của riêng mình.
Bên cạnh dịch vụ cung cấp các loại thuốc phòng, chữa bệnh cho vật nuôi, anh Nam cùng nhân viên tổ chức khám, chữa bệnh cho vật nuôi theo yêu cầu. Đặc biệt, ở những thời điểm có dịch bệnh tại địa phương, nhân viên phòng khám của anh tích cực phối hợp với cán bộ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.
"Có bằng nghề trong tay, lại có trình độ "thực chiến" bởi có nhiều cơ hội thực hành khi còn đi học nên tôi không khó để xin việc tại các trung tâm thú y, phòng khám lớn. Nhưng với ước mơ làm giàu trên quê hương, nên tôi về nhà mở phòng khám riêng. Xuất phát điểm khá khó khăn nhưng nay đã dần ổn định", anh Nam chia sẻ.
Hiện, phòng khám của anh Nam hoạt động 24/7, doanh thu bình quân đạt trên 30 triệu đồng/tháng, tạo việc làm cho 2 nhân viên, thu nhập trung bình trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Theo khảo sát tại nhiều trường nghề ở phía Bắc, trong khi có không ít ngành khác rơi vào cảnh "ế ẩm" tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì ngành thú y lại hoàn toàn ngược lại. Càng ngày, ngành học này càng nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ.
Nguyên nhân không chỉ vì tình yêu dành cho động vật, mà quan trọng hơn là bởi ngành học này có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai, với nhiều cơ hội việc làm, khởi nghiệp.
Đơn cử, tại Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, bình quân mỗi năm tuyển sinh hàng trăm sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp. Số điểm tuyển sinh của ngành cũng luôn ở trong tốp đầu của trường.
Theo đại diện Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn, thú y là một công việc vô cùng thú vị nhưng cũng rất nhiều khó khăn. Để theo đuổi ngành này, các học viên phải có tình yêu thực sự với động vật, không ngại khó, ngại khổ.
Bởi những kiến thức được trang bị trong quá trình học thường liên quan đến bệnh học (căn bệnh, dịch tễ học, biểu hiện lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh chuyên biệt); ngoại khoa, giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh; kiểm tra các sản phẩm nguồn gốc từ động vật, các cơ sở giết mổ chế biến thức ăn gia súc, chế biến súc sản…
Theo số liệu thống kê và phân tích về nhu cầu lao động, đến năm 2020, Việt Nam đang thiếu hàng triệu nhân lực qua đào tạo trong nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp, bao gồm ngành thú y. Trong khi đó, số trường đào tạo và lượng sinh viên ra trường hàng năm của nhóm ngành này không nhiều, chưa kể là chất lượng nhân lực cũng chưa thực sự tốt.
Rõ ràng, với sự cần thiết cũng như nhu cầu nhân sự lớn như vậy, cơ hội việc làm của học sinh, sinh viên ngành thú y không chỉ tại các trường đại học, cao đẳng, mà ở các trường trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp vô cùng rộng mở. Yêu cầu hiện tại là các cơ sở đào tạo cần tiếp tục hoàn thiện quy trình dạy và học, nâng cao trình độ cho học viên, qua đó đáp ứng yêu cầu thực tế.
Lê Trì
Không có nhận xét nào