Hiểm họa từ chó thả rong (Kỳ 1): Nhiều ca tử vong thương tâm
Nhiều vụ chó cắn hết sức nghiêm trọng, gây tử vong rất thương tâm, ám ảnh như cháu bé 7 tuổi bị đàn chó 6 con lao vào tấn công tới chết; ông chủ bị chính 4 con chó do mình nuôi lao vào cắn xé, nhiều người phải dùng gậy đánh chó mới có thể cứu được; có em bé bị cắn nát mặt, phải khâu chằng chịt; có em bị cắn đứt khí quản…
Đã có vụ việc chủ nuôi chó bị khởi tố nhưng tình trạng thả rông chó, không rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến; tình trạng chủ nuôi không tiêm vaccine phòng dại cho chó khiến mỗi năm hàng trăm người tử vong vì bệnh dại vẫn còn tồn tại.
Mất mạng, thương tật vì chó cắn
Thói quen nuôi chó thả rông đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều gia đình, nhất là mốt đem theo "thú cưng" ra đường ở các thành phố lớn nhưng không rọ mõm vẫn đang thịnh hành, dẫn tới cắn người. Không chỉ cắn người đi đường mà nhiều người còn bị chính chó nhà tấn công. Vụ việc thương tâm mới đây là một bé trai 8 tuổi ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước bị chó Pitbull nhà hàng xóm cắn tử vong. Vào chiều 22/7/2022, cháu bé sang nhà bà nội ở gần đó chơi, bà của bé đang nằm ở võng trước nhà, còn bé một mình đi ra phía sau nhà chơi, bất ngờ bị chó Pitpull vồ tới cắn liên tiếp vào tay và cổ. Con chó nặng khoảng hơn 30kg, nhà hàng xóm đi vắng nên gửi bà nội của bé trông hộ, được xích ở sau nhà. Tuy được gia đình đưa đi cấp cứu, song do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Trước đó đã có nhiều vụ việc tử vong do bị chó Pitbull cắn. Vào ngày 20/5/2021, anh H.T.H (xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ, Long An) dẫn chó Pitbull nặng khoảng hơn 60kg đi uống cà phê. Một thanh niên là người quen của anh H kéo ghế ngồi chung, đang trong lúc nói chuyện, con chó đứng cạnh chủ bất ngờ lao tới tấn công khách. Nam thanh niên bị con vật to lớn quật ngã, cắn nhiều nơi trên cơ thể, nạn nhân bị chấn thương nặng và tử vong tại chỗ. Chủ của con chó chạy đến cứu bạn cũng bị con vật quay sang tấn công, cắn nhiều vết khiến anh H bị thương rất nặng. Vì được giải cứu và đưa đến viện kịp thời nên anh H đã bảo toàn được tính mạng, nhưng nỗi ám ảnh kinh hoàng đó không bao giờ nguôi ngoai. Theo hàng xóm của anh H cho biết, anh này có sở thích nuôi chó Pitbull và thường dắt đi dạo quanh khu dân cư.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường xuyên tiếp nhận một số ca cấp cứu rất nặng do chó dữ tấn công. Có nhiều ca đưa đến viện trong tình trạng mất máu nghiêm trọng, trên người chằng chịt vết thương. Có ca bị chó cắn nát vùng đầu mặt, rất thương tâm. Có nhiều ca các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng cũng không cứu được tính mạng. Điển hình là ca cháu bé 7 tuổi (thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên) bị một đàn chó thả rông lao vào tấn công, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng nguy kịch.
Đại diện Bệnh viện Việt Đức cho biết, lúc cháu được chuyển đến đồng tử giãn 2 bên, không đo được huyết áp, đa vết thương ở hai vai và vùng bẹn. Các bác sĩ đã cố gắng cấp cứu cho cháu, song do tình trạng quá nặng, không có khả năng cứu chữa nên gia đình xin cho bệnh nhân về nhà.
Theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, dù vụ việc này Công an huyện Kim Động đã khởi tố chủ đàn chó là bà Lê Thị An để điều tra về hành vi "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính". Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi chó vẫn không lấy đó làm bài học, tiếp tục thả rông chó, không rọ mõm và những vụ chó cắn người xung quanh, thậm chí chó tấn công chính chủ nhà vẫn diễn ra.
Nỗi ám ảnh mang tên bệnh dại
Theo kết quả điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại một số huyện của tỉnh Phú Thọ cách đây vài năm cho thấy, có tới 5% trẻ bị chó, mèo cắn không nói với gia đình, đây là nguyên nhân khiến cho các trường hợp tử vong do dại tăng cao. Có nhiều gia đình, con bị chó cắn 1-2 tháng sau, thậm chí vài tháng sau phát bệnh dại phụ huynh mới biết. Những ca này đều vô phương cứu chữa, tử vong 100%.
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại gia tăng là tỷ lệ tiêm phòng cho chó còn thấp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, trong gần 7 triệu con nuôi trên cả nước mới có hơn 40% được tiêm phòng dại. Nguyên nhân nữa là người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm cho chó còn nhiều… dẫn đến cắn người, có trường hợp tử vong. Nhiều người dân còn chủ quan, thiếu hiểu biết, sau khi bị chó mèo cắn đã không tiêm phòng vaccine. Lý do không tiêm vaccine có tới 70% chủ quan cho rằng đó là chó nhà mình cắn, sau đó sử dụng các bài thuốc nam để đắp vào vết chó cắn. Có trường hợp bị chó cắn đến thầy lang thử sừng tê giác, thầy phán không mắc dại nên không tiêm. Hoặc có trường hợp tin vào lời đồn ác ý, tiêm vaccine dại gây ra mất trí nhớ nên cũng không tiêm…
Theo các bác sĩ, khi chứng kiến những bệnh nhân lên cơn dại, vô phương cứu chữa, mới thấy hết ám ảnh của căn bệnh truyền nhiễm này đem lại. Điển hình là trường hợp thiếu nữ 16 tuổi (Đắk Lắk) vừa tử vong hồi tháng 5 vừa qua sau vài ngày phát bệnh dại mới thấy hết sự chủ quan của người dân. Thiếu nữ bị mèo cắn vào tay, cho rằng mèo nhà nuôi nên không sao, gia đình không cho con tiêm phòng vaccine. Gần 20 ngày sau, thiếu nữ xuất hiện triệu chứng sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, bác sĩ chẩn đoán nữ sinh bị bệnh dại lên cơn. Bệnh nhân sau đó được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhưng cũng không qua khỏi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, trung bình hằng năm có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine dại và huyết thanh, chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm ngoái), tăng nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Kiên Giang, Gia Lai. Số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh có nguy cơ cao, nhưng lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh có nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. BS Nguyễn Tuấn Hải, chuyên gia tiêm chủng của hệ thống Safpo/Potec cho biết: "Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại. Người đã lên cơn dại 100% là tử vong. Đây là bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tiêm phòng dại ngay sau khi bị chó cắn là biện pháp duy nhất để cứu tính mạng".
Theo một chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc tiếp cận vaccine của người dân còn hạn chế. Nguyên nhân do giá vaccine nhập khẩu còn cao so với thu nhập của người dân, trung bình tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine tốn khoảng 2 triệu đồng/người, cộng với chi phí đi lại (người ở vùng sâu, vùng xa phải lên huyện, tỉnh tiêm) lên khoảng 6 triệu đồng/người. Do giá vaccine và huyết thanh còn cao, nhiều người nghèo, người sống ở vùng sâu, vùng xa bị chó, mèo cắn đã không đi tiêm, hoặc tiêm không đúng lịch, không đủ mũi, lùi ngày tiêm khiến hiệu quả không cao.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, TP xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tham gia phòng, chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao. Đồng thời tăng cường các điểm tiêm vaccine phòng dại tại tuyến huyện, thị xã, đặc biệt thành lập thêm các điểm tiêm tại tuyến xã để người dân được tiếp cận với vaccine nhanh nhất và tăng tỷ lệ tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.
Không có nhận xét nào