Hiểm họa chó thả rông cắn người (kỳ 2): Hậu quả của việc buông lỏng quản lý
Ý thức kém, phớt lờ mọi quy định
Hiện nay, rất nhiều khu chung cư có quy định không nuôi chó nhưng thực tế, chó vẫn được nuôi công khai. Chị Hoàng Diệu Thuý, sống ở Time City (quận Hai Bà Trưng) bức xúc: "Quy định của toà nhà là không được nuôi chó nhưng rất nhiều người nuôi. Đáng trách nhất là họ cứ thản nhiên ôm chó không rọ mõm, không dây xích vào thang máy, có những lần chó xả bậy luôn trong thang máy, mấy ngày sau vẫn còn mùi. Cứ chiều chiều, tấp nập người mang chó xuống nơi vui chơi công cộng dưới chân toà nhà, cho chó đi vệ sinh lung tung. Mỗi tối tôi xuống đi tập thể dục, mùi bốc lên nồng nặc. Cũng có người góp ý với các chủ nuôi chó thì còn bị trách ngược là không yêu quý động vật".
Chuyện chó chạy lung tung hành lang các tầng, vệ sinh lung tung là câu chuyện thường được phản ánh trong các nhóm liên lạc cư dân ở nhiều chung cư.
Những chú chó là thú cưng, được ăn, ngủ cùng chủ, được ôm theo ra quán cà phê, quán phở, đi dạo cùng nhưng hầu hết đều không đeo rọ mõm dẫn đến đã có nhiều trường hợp chó cắn người. Ngay cả ở Công viên Bách Thảo, ngay lối vào cổng chính có tấm biển ghi rõ "Cấm mang chó vào công viên", nhưng rất nhiều người dân hàng ngày cho chó đi dạo cùng. Thậm chí, có những con chó to cao ngang người lớn chạy lung tung khắp các đường trong công viên khiến nhiều người sợ hãi, nhất là khi công viên có nhiều trẻ nhỏ và người già. Bảo vệ công viên cũng dường như quá quen với cảnh chó chạy theo người vào trong công viên nên không nhắc nhở, để người dân thoải mái mang chó vào công viên. Tấm biển cấm cũng chỉ để trưng cho có, ý thức của người nuôi kém khiến rất nhiều người vào công viên này cảm thấy bất an.
Rõ ràng, nhiều người nuôi chó không có ý thức, thậm chí không biết, không tìm hiểu các quy định về nuôi chó, trong khi rất nhiều chế tài xử phạt đã có.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có khoản 1 Điều 7 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng.
Việc thả rông vật nuôi như chó, mèo… trong chung cư hay công viên có thể bị phạt đến 500.000 đồng. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 cũng quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, đồng thời chủ vật nuôi cùng phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm: Đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường.
Đáng chú ý, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty luật TNHH Hồng Phú thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, nuôi chó như thế nào để an toàn cho bản thân và xã hội là câu chuyện pháp lý cả xã hội phải quan tâm.
Ông Hùng cho biết, chó có đặc tính dã thú là truy đuổi, cắn xé con mồi, mức độ sát thương rất cao, có khả năng truy bắt và tấn công những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Khi chó gây ra thiệt hại, thì người nuôi chó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015. Thậm chí nếu chó cắn chết người, thì người nuôi chó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017. Khách thể của tội này là xâm phạm quyền sống của con người, hậu quả làm chết người.
"Mặt khách quan của tội này là không rọ mõm chó khi thả ra ngoài công cộng, mặt chủ quan của tội này là lỗi vô ý cẩu thả, vì người nuôi chó không nhận thức trước về khả năng đàn chó cắn chết người khi không rọ mõm, nên không cẩn trọng khi thả chó ra; mặt chủ thể của tội này là người nuôi chó trên 16 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt đối với tội vô ý làm chết người là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, người nuôi chó còn phải bồi thường theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Hình sự đã nêu trên", ông Hùng phân tích. Tuy nhiên, theo Luật sư Hùng, Nhà nước ban hành pháp luật rất chặt chẽ, nhưng các tổ chức, cá nhân thực hiện chưa đầy đủ, việc kiểm tra giám sát, xử lý chưa nghiêm dẫn đến tình trạng này.
Không thể cứ mãi nhắc nhở, tuyên truyền
Những vụ việc chó tấn công người gây thương tật, tử vong… khiến người dân không an tâm khi ra đường khi thường xuyên gặp chó chạy rông, không rọ mõm. Rõ ràng, ý thức của người nuôi chó là vấn đề đáng lên án.
Tuy nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho ý thức của chủ nuôi trong khi đã có đầy đủ quy định, mức phạt. Trách nhiệm của chính quyền mới là điều quyết định. Rõ ràng, việc kiểm tra, xử phạt còn bị buông lỏng, dẫn đến người nuôi chó càng thoải mái thả rông chó.
Đầu tháng 4 năm nay, không ít người dân Thủ đô đã kì vọng vào việc TP thành lập gần 600 đội bắt chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đội bắt chó thả rông cũng không còn hoạt động tích cực như thời điểm đầu. Dẫn chứng là chó vẫn thả rông, chạy lông nhông khắp các đường phố trên khắp các quận, huyện mà không bị bắt.
Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Tây Hồ Dương Thị Hiền cho biết, quận có 8 đội chuyên trách bắt chó thả rông do 8 phường quản lý. Tuy nhiên, thành viên các đội đều là kiêm nhiệm được huy động từ lực lượng tự quản, dân phòng, nhiều cán bộ đã lớn tuổi, không có nghiệp vụ bắt chó, tần suất kiểm tra mới chỉ duy trì được 1 lần/tuần. Từ năm 2020 đến nay, UBND các phường đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt 21 trường hợp với số tiền 15,6 triệu đồng.
Một lãnh đạo phường Vĩnh Tuy cũng cho chúng tôi biết, do địa bàn rộng, dân số đông, chó thả rông đa phần xuất hiện ngoài giờ hành chính, phường cũng không đủ nhân lực để quản lý, xử phạt. Từ đầu năm 2022 đến nay, UBND phường đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 chủ nuôi, tổng số tiền phạt là 4,4 triệu đồng. Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đội chuyên trách bắt chó thả rông phường Thành Công (quận Ba Đình) đã bắt giữ 22 con chó thả rông, xử phạt vi phạm hành chính với 4 chủ vật nuôi số tiền 6 triệu đồng. Nhiều phường cũng thừa nhận, việc duy trì đội bắt chó thả rông cũng chỉ để tuyên truyền, nhắc nhở người dân là chính, hướng đến nâng cao ý thức của chủ vật nuôi. Các phường chủ yếu giao nhiệm vụ đến các tổ trưởng tổ dân phố nhắc nhở từng nhà có nuôi chó không được thả rông ra đường như phường Thịnh Liệt, phường Định Công (quận Hoàng Mai).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết, qua thực tế triển khai tổ bắt giữ chó thả rông tại các phường đã gặp nhiều khó khăn.
"Một số người dân rất thích chó to, chó dữ, sẵn sàng tấn công người lạ, kể cả đội bắt chó. Chúng tôi cũng khuyến cáo nuôi phải an toàn, đeo rọ mõm cho chó, nhất là các gia đình có người già, trẻ em, đặc biệt không nuôi chó dữ, chó to. Việc chi trả kinh phí cho lực lượng tham gia bắt chó cũng gặp khó khăn. Trong khi nghề bắt giữ chó là một nghề đặc thù, khi mà gặp chó to, chó dữ nếu không cẩn thận sẽ bị tấn công" ông Sơn cho biết.
Rõ ràng, quy định đã có, việc nhắc nhở, tuyên truyền cũng đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của đại đa số người nuôi chó. Nếu chính quyền sở tại không nghiêm, không mạnh tay xử phạt thì sẽ không thể làm ý thức của người nuôi chó chuyển biến. Chỉ có thực hiện nghiêm túc, thường xuyên mới thay đổi được tình trạng chó thả rông phổ biến như hiện nay.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đôn đốc các địa phương phải lập các đội săn bắt chó thả rông, không rọ mõm, cũng như ngăn chặn triệt để, không để tiếp tục xảy ra các vụ chó cắn chết người.
Không có nhận xét nào